Dốc lòng vì việc nghĩa
Trong làng báo Thủ đô Hà Nội, tên tuổi nữ nhà báo Trần Thị Thu Hằng luôn được gắn với thành công của những loạt bài điều tra nhiều kỳ sắc bén và kiên định cho tới mục đích cuối cùng . Đó là giành lại lẽ phải và quyền lợi cho những người yếu thế trong xã hội. Bên cạnh đó, chị còn tích cực cùng tập thể cán bộ phóng viên báo Phụ nữ Thủ đô nhiệt thành tham gia nhiều chương trình hoạt động xã hội từ thiện giàu ý nghĩa.
Có nhiều cuộc đời, nhiều thân phận gắn bó với sự nghiệp của nhà báo Trần Thị Thu Hằng. Nhưng có một nhân vật đặc biệt, vì nỗi khổ đau của gia đình bà đã đeo đẳng suốt 20 năm ròng trong cuộc đời làm báo của chị Thu Hằng. Đó là bà Nguyễn Thị Hiển. Bà là vợ của thương binh Lương Phát. Ông là một thương binh, một cựu tù chính trị vượt ngục, một sỹ quan Quân đội 60 năm tuổi Đảng. Gia đình ông bà sinh sống trên địa bàn quận Hoàn Kiếm. Bà Hiển vốn là một cô gái Hà Nội, làm cán bộ thương nghiệp rồi nghỉ mất sức về sinh sống bằng nghề bán bánh mỳ. Nay đã gần 80 tuổi, già yếu, bà chỉ còn giúp đôi chút công việc cho cô con gái làm nghề buôn bán đồng nát mưu sinh qua ngày. Hai mươi mấy năm qua, gọi tắt là đã hơn ¼ thế kỷ , lối ngõ dẫn vào ngôi nhà 78 phố Trần Hưng Đạo để đến với căn phòng xập xệ của bà Hiển đã trở nên quá quen thuộc với nhà báo Trần Thị Thu Hằng, từ thời chị còn là một phóng viên chuyên thể loại phóng sự điều tra. Đơn từ hồ sơ vụ kiện hy hữu này đã chất chồng hàng đống. Đầu những năm 1990, có lúc gia đình 4 thế hệ của ông bà Hiển-Phát suýt bị đuổi ra khỏi ngôi nhà của chính mình do phán quyết sai lầm của tòa án. Không tiền của, không quen biết, không đủ trình độ để viết được lá đơn kêu oan, bà Hiển ròng rã theo được vụ kiện 20 năm ròng rã là nhờ vào sự nhất tâm bền bỉ, kiên trì và kiên định, kiên cường của nhà báo Trần Thị Thu Hằng. Chị không chỉ viết báo bênh vực, mà còn viết hộ đơn kêu cứu để bà Hiển đưa đi gửi các cấp, chị còn giúp tiền khi bà thiếu đói, giúp thuốc khi bà ốm đau. Và động viên ông bà giữ vững nghị lực, quyết tâm những khi vợ chồng ông bà quá mệt mỏi, thất vọng. Cuối cùng, sau 20 năm ròng rã, công lý cũng đã được sáng tỏ, lẽ phải đã được trả lại cho ông bà, gia đình ông bà lấy lại được nơi cư trú hợp pháp cho gia đình. Tiếc thay, khi nhận được quyết định giữ quyền chính chủ căn nhà sau 5 cấp tòa xử, lúc đó là 26 Tết nguyên đán, thì chỉ 12 ngày sau đó chồng bà – thương binh Lương Phát qua đời. Trước khi qua đời, ông chỉ dặn lại bà đúng một câu: Bà phải nhắc con cháu trong nhà phải đời đời kiếp kiếp nhớ ơn cô nhà báo Trần Thị Thu Hằng và Tòa báo Phụ nữ Thủ đô!
Gần tròn ba mươi năm làm báo gắn bó với cuộc sống của các tầng lớp cư dân Hà Nội, nhà báo Trần Thị Thu Hằng luôn dành tình cảm sâu nặng nhất cho những người phụ nữ bất hạnh, thiệt thòi trong xã hội. Bắt đầu từ những năm 90 của thế kỷ trước, với sự hợp tác của các vị lãnh đạo tiền nhiệm của báo Phụ nữ Thủ đô, và sự cộng tác của các phóng viên chuyên trong lĩnh vực xã hội, thiện nguyện, hàng loạt chương trình và sự kiện xã hội, thiện nguyện hữu ích của báo đã được triển khai và đạt nhiều hiệu quả to lớn. Báo PNTĐ thành lập Quỹ “Vì phụ nữ-trẻ em hoanh nạn” kêu gọi sự hảo tâm của các tập thể, cá nhân, và đã hỗ trợ xây dựng hơn 20 ngôi nhà tình nghĩa, tình thương; trao hàng trăm suất học bổng; hàng chụ sổ tiết kiệm cho gia đình bộ đội biên giới, hải đảo gặp khó khăn; hỗ trợ tiền cứu chữa bệnh trọng cho hàng chục phụ nữ, trẻ em tại các bệnh viện; trao hàng ngàn suất quà Tết cho phụ nữ nghèo, trẻ em nhiễm H, trẻ em không may mắc ung thư… Gần đây, Báo PNTĐ đã cho triển khai chương trình Cho vay vốn không tính lãi, nhằm trợ giúp phụ nữ nghèo ở nội ngoại thành Hà Nội phát triển sản xuất, duy trì, ổn định cuộc sống gia đình, với số vốn vận động là 100.000.000 đ.
Chị Nguyễn Thị Thủy ở Phường Đông Ngạc, quận Bắc Từ Liêm, bị ung thư vừa qua phẫu thuật và hóa trị liệu đợt thứ 2, chồng chị bị tâm thần phân liệt, không lao động được. Hoàn cảnh rất ngặt nghèo. Gia đình đã được vay 5.000.000 đ của Báo PNTĐ không phải trả lãi để làm vốn buôn bán vặt duy trì cuộc sống hằng ngày và thuốc thang chữa bệnh. Chị Đoàn Bích Thu, Phường Thụy Phương, Quận Bắc Từ Liêm cũng được vay 5.000.000đ mua nguyên liệu làm hoa đá. Mỗi tháng trung bình chị thu nhập được 6.000.000 đ. Hiện chị Thu đang truyền nghề cho 3 người hàng xóm để nhân rộng nghề mới này với những sản phẩm đáp ứng nhu cầu thị trường.
Cuộc sống của các tầng lớp cư dân HN gần đây đã có nhiều thay đổi. Chuẩn nghèo cũng đã được nâng mức. Bởi thế, những phương thức hoạt động xã hội thiện nguyện cũng đang từng bước được báo Phụ nữ Thủ đô đa dạng hóa cho thích ứng với nhu cầu thực tế. Mới đây nhất, khi đã ở cương vị Tổng biên tập tòa báo PNTĐ, chị đã vận động Công trình hỗ trợ xây dựng “Thư viện xanh” cho học sinh các trường phổ thông ở các tỉnh vùng khó khăn; rồi công trình “Sân thể dục” với những dụng cụ gọn nhẹ giúp rèn luyện sức khỏe cho phụ nữ các địa bàn khó khăn, hạn hẹp về quỹ đất, là những chương trình xã hội-từ thiện được đổi mới của Báo Phụ nữ Thủ đô. Tổng biên tập Trần Thị Thu Hằng cho biết, một sân thể dục gọn nhẹ như thế đang chuẩn bị được xây dựng tại phường Vĩnh Tuy, quận Hai Bà Trưng, sẽ hoàn thành và đưa vào sử dụng trong mùa hè 2016.
Trước dịp kỷ niệm 30 năm ngày ra số báo PNTĐ đầu tiên, nhà báo Trần Thị Thu Hằng đại diện cho Tòa báo, đã tới thăm và tặng quà bệnh nhân hiểm nghèo hiện đang điều trị tại bện viện K cơ sở 2 trên địa bàn xã Tam Hiệp huyện Thanh Trì, Hà Nội. 200 suất cơm ngon lành ấm nóng đã được nhà báo Thu Hằng trao đến tận tay mỗi bệnh nhân cùng với sự cảm thông, chia sẻ chân thành nhất.
Vũ Thị Tuyết Nhung
Các tin khác
- Bức ảnh về dịch Covid-19 lay động độc giả
- Thu Hòa: Nhà báo nữ say nghề vùng biên giới, hải đảo
- Luật Báo chí sẽ “quản” trang thông tin tổng hợp
- Lòng Thành
- Tuổi nào cho em
- Nhà báo Lê Bình, nữ giám đốc đầy bản lĩnh của VTV24
- DUYÊN HỘI NGỘ
- Nhà báo Thu Hương: Đảo xa nơi đầu sóng
- Nhà Báo Bích Huệ: Cảm nhận đảo Trường Sa qua thơ
- CẢM XÚC GỬI ĐIỆN BIÊN