Câu lạc bộ Nhà báo nữ tuổi 15

The player will show in this paragraph
Hơn 35 năm sau khi tốt nghiệp Đại học, trong dịp về dự Kỷ niệm 60 năm Ngày thành lập Trường Đại học Tổng hợp Huế, giữa hàng ngàn cựu sinh viên, tôi vẫn nhận ra chị với tà áo dài của Huế nhưng mang màu hoa anh đào nhẹ nhàng và duyên dáng, mà trước đó, cũng tại lần kỷ niệm 55 năm của Trường (năm 2012), chị đã có bài phát biểu đại diện cựu sinh viên khiến Thầy Cô và những người bạn cùng thời đều xúc động và không cầm được nước mắt.  

Thu Hòa: Nhà báo nữ say nghề vùng biên giới, hải đảo

(NBN) - Là nhà báo thuộc thế hệ 8X, hiện chị đang công tác tại Phòng Biên giới Biển đảo, Hệ Thời sự Chính trị Tổng hợp VOV1, Đài Tiếng nói Việt Nam. Hơn 10 năm công tác là từng ấy thời gian chị lăn lộn tác nghiệp vùng biên giới, hải đảo- vốn là địa bàn không dễ dàng đối với phái nữ. 

Chuyện tác nghiệp nơi khó khăn đặc thù, kỷ niệm cùng các chiến sĩ biên phòng, bài học trong nghề… là điều mà chị muốn chia sẻ với những bạn trẻ mong muốn dấn thân cùng nghề báo.

 

Làm báo ở Trường Sa

Với mỗi nhà báo đã từng đặt chân đến quần đảo Trường Sa, cực Đông Tổ quốc, nơi xa nhất trên bản đồ Việt Nam, có lẽ việc tác nghiệp là dấu ấn không thể quên. Thiếu thốn mọi bề, nhưng niềm tự hào, hãnh diện được ra với Trường Sa đã giúp những người làm báo vượt lên chính mình, để cung cấp cho công chúng bức tranh đầy đủ về cuộc sống, chiến đấu và tình cảm của người lính nơi đảo xa.

Tôi vào làng báo không lâu, nhưng thật may mắn là năm đầu tiên công tác tại Đài Tiếng nói Việt Nam, tôi đã được vinh dự đặt chân đến mảnh đất thiêng liêng của Tổ quốc. Với một nữ phóng viên trẻ như tôi, chuyện tác nghiệp ở Trường Sa là những bài học đầu tiên trong nghề, những kỉ niệm còn nhớ mãi.

Bài học đầu tiên đối với các nhà báo muốn tác nghiệp ở đảo là phải có sức khỏe thật tốt, và thực sự dũng cảm. Chuyến ra Trường Sa hôm ấy duy nhất có tôi là nhà báo nữ, nên hầu như phải căng ra mà theo kịp lịch tác nghiệp dày đặc của anh em. 4 ngày đến 8 đảo, trong khi các đảo cách nhau khá xa với hành trình vài giờ tàu chạy. Vậy là, sáng xuống xuồng lên đảo, về tàu, đến chiều lại như vậy. Cả chuyến đi phải gần 20 lần lên- xuống tàu liên tục.

Sáng sớm, khi mọi người còn mải lắc lư vì sóng đêm thường rất dữ, cánh phóng viên đã quân tư trang chỉnh tề, đi chuyến xuồng đầu tiên vào đảo cùng thủ trưởng Tổng cục Chính trị và Bộ Tư lệnh Hải quân. Nhưng không phải được ưu tiên mà yên tâm. Với những đợt sóng xô liên tục suốt hơn 1.000 hải lý, nguy hiểm có thể đến bất cứ lúc nào.

Sóng luôn là nỗi ám ảnh trong suốt hải trình. Có khi sóng lên đến cấp 9, cấp 10, vì đợt chúng tôi đi đúng vào áp thấp nhiệt đới. Khi mà hầu như cả đoàn công tác đều chỉ có thể ăn với nằm triền miên trên tàu, anh em phóng viên vẫn cố bám lan can tàu, lên buồng lái, gặp gỡ cán bộ chiến sĩ để trò chuyện tìm hiểu thêm.

Sóng cũng khiến đoàn công tác không thể vào đảo An Bang và nhà giàn DK1 theo đúng lịch trình. Đã có lúc, tôi phải cố gắng “tranh” suất ưu tiên để len lỏi vào đảo, dù mệnh lệnh đưa ra là chị em phụ nữ không ai được phép rời tàu. Tôi biết có thể có hiểm nguy, nhưng sẽ còn tiếc hơn nếu đã cố công tới được Trường Sa mà không được lên đảo.

Chính vì mênh mang quanh mình là nước nên “bài học” thứ hai mà các nhà báo nằm lòng sau mấy ngày ở đảo là giữ đồ nghề thật cẩn thận. Mỗi khi chuyển xuồng, anh em lại gói bọc kỹ đồ nghề: máy ảnh, camera, máy ghi âm, giấy bút… vào túi nilông chuyên dụng được cấp sẵn, buộc chặt lại. Anh nào mải mê “săn” ảnh độc thì sẵn sàng chịu va đập bởi sóng, không chừng bị rơi xuống nước như nhà báo Anh Tuấn (báo điện tử Vietnamnet).

Ở đất liền thì còn mua đồ để thay thế, chứ ra ngoài đảo thì có tiền cũng chịu. Bởi thế mà phóng viên Hữu Sáng (báo Hải quân) bị nước bắn vào làm nhòe đầu từ máy quay phim, sau còn mười mấy ngày trên các đảo chỉ vác đi làm cảnh. Chính tôi cũng mất đoạn băng hai lần phỏng vấn chiến sĩ, bởi tiếng sóng, tiếng gió chen vào máy ghi âm, loẹt xoẹt không nghe nổi.

Bài học thứ ba là sự nhanh nhạy, chủ động trong việc đưa thông tin. Ở Trường Sa không thể có điều kiện tác nghiệp bằng mạng Internet, sóng điện thoại cũng chập chờn. Trong khi hành trình kéo dài hơn 10 ngày, nếu để khi về mới viết bài thì “nguội” mất. Anh em phóng viên chủ động dùng máy cố định ở đảo gọi về cơ quan, nhắn người gọi lại cho thông suốt đường dây.

Biết là sóng to gió lớn, rất khó có thời gian ngồi viết bài, tôi bèn tận dụng thể loại “tường thuật”, gọi về phòng thu, đọc thẳng luôn trên sóng, ghi nhận không khí ngoài đảo, chiến sĩ đang giao lưu văn nghệ với văn công. Và thế là tiếng hát tiếng đàn, lời trò chuyện tự nhiên… được phát sóng ngay buổi sáng hôm đó. Một buổi tường thuật được chuẩn bị rất ít, nhưng vẫn thành công ngoài dự kiến. 

Rồi đến đảo An Bang, sóng dữ dội hộc lên những mỏm đá mồ côi trơn trượt, khiến tàu chòng chành không thể cập bờ. Chỉ cách nhau khoảng 300m, cán bộ chiến sĩ trên đảo đã ùa hết ra đón đoàn, nhưng chúng tôi cũng không thể vào. Các nữ văn công đành cầm máy bộ đàm hát từ trên tàu gửi ra đảo, cho anh em vơi bớt nỗi nhớ.

Tiếng hát ngắt quãng, nấc nghẹn bởi tiếng khóc. Tôi vừa cầm ghi âm ghi lại tiếng hát, vừa quay đi giấu những giọt nước mắt. “Không xa đâu Trường Sa ơi”, lời nhắn gửi của chị em văn công tới cán bộ chiến sĩ trên đảo qua máy bộ đàm cứ day dứt mãi. Phần tiếng động rất chân thực đó được chuyển tải ngay khi đoàn công tác tiếp tục hành trình trên tàu.

Qua tiếng loa bật lên cho toàn đơn vị nghe, tôi mới hay sức mạnh của phát thanh lan tỏa đến thế nào. Và tấm tình chân thực ấy, không khí ấy đã giúp tôi có được một phóng sự mang chiều sâu cảm xúc.

 

“Say” tác nghiệp vùng biên

Khi nói đến vùng cao, biên giới là nghĩ đến khó khăn: núi nối núi, rừng nối rừng, nắng và gió, địa bàn rộng, giao thông cách trở. Làm báo nơi gian khó này, mỗi phóng viên với lòng say nghiệp, trăn trở với nghề, đã được thử thách, tôi luyện và trưởng thành.

Vùng biên giới với nhiều thành phần dân tộc sinh sống là nơi có văn hóa bản địa độc đáo, đặc sắc, là một “kho” tư liệu khổng lồ để phóng viên tìm hiểu, viết bài. Nhưng địa bàn này cũng gặp rất nhiều khó khăn khi tác nghiệp.

Trước hết khó về phương tiện đi lại. Bây giờ xe khách đã đến được các trung tâm huyện nhưng chưa đến được các xã bản nên phương tiện đi lại chính của phóng viên là xe máy và cuốc bộ. Các địa bàn vùng cao bao giờ đi lại cũng khó khăn nhất là về mùa mưa. Mà có đến được cơ sở rồi thì lại nảy sinh nhiều vấn đề mới: Như ngôn ngữ bất đồng, không thông thạo đường đi lối lại, kế đó là nơi ăn chốn ngủ, phóng viên phải làm công tác dân vận, rồi thành thục các thao tác nghề nghiệp lấy tư liệu phục vụ yêu cầu tuyên truyền. Phóng viên đã theo mảng này buộc phải hình thành cho mình thói quen chủ động trong mọi tình huống, nhất là khi đi một mình.

Cơn bão số 9 năm 2009 chắc hẳn nhiều người còn nhớ vì độ càn quét của nó. Vừa từ Nghệ An định trở ra Bắc hoàn thành chuyến công tác, tôi nhận được điện từ Bộ Tư lệnh Biên phòng gọi phóng viên đi cùng Thiếu tướng Nguyễn Cảnh Hiền- Phó tư lệnh vào các tỉnh miền Trung và Tây Nguyên. Vẫn chiếc ba lô trên vai, tôi lên xe biên phòng đi thẳng vào tâm bão. Từ Quảng Bình, Quảng Trị, Huế, Đà Nẵng, đâu đâu cũng ngập trong nước, cây đổ ngả nghiêng, mưa xả trắng trời…

Tôi cho chiếc máy ghiam, máy ảnh vào túi ni lông, giơ cao để máy không bị bẩn. Ngập nước lẫn bùn, không đi được dép hay giầy, tôi đành lấy hai đôi tất xỏ vào, mỗi chân hai chiếc để lội hàng chục kilômét ngập nước. Qua địa bàn biên phòng nào cũng thấy anh em chiến sĩ lao đi trong lũ cứu giúp bà con, 5 ngày liền chúng tôi chỉ kịp ăn uống ngay trên “trận địa”, chưa bao giờ thấy bát mì tôm “hàng không” ngon đến thế. Rồi xe tăng bo của biên phòng đi đến đâu lại cho bà con nhờ leo lên tránh bão đến đó, không gian đặc quánh tình thương yêu san sẻ của đồng chí đồng bào. Tiếng động phỏng vấn Phó tư lệnh của tôi hôm ấy bị ngắt quãng giữa chừng bởi tiếng gió gào thét, nhưng về độ sinh động và đậm hơi thở cuộc sống thì quả thực không dễ gì đời làm báo có được.

Làm nghề báo chẳng ai dám nói là không vất vả, nhưng làm báo ở vùng biên giới còn gian nan hơn nhiều. Bàn chân của phóng viên in dấu khắp các bản làng, đèo núi và sông suối ở các thôn, xã vùng cao để đưa về những thông tin quý giá. Tôi vẫn nhớ sâu sắc cách đây 10 năm, lần đầu tiên đi công tác là xung phong lên tận Bát Xát- huyện xa nhất của tỉnh Lào Cai, rồi hăm hở vào tận xã Y Tý- xã biên giới cao nhất của Bát Xát (ảnh). Con đường từ trung tâm xã lên đến đồn biên phòng Y Tý kéo dài cả chục cây số. Đã đèo dốc, lại thêm lầy lội vì đúng dịp mở đường vào bản, gặp thêm cơn mưa lũ đêm qua, bùn đội lên nhão nhoét. Cô phóng viên thành phố 23 tuổi là tôi những tưởng sẽ khó vượt qua. Nhưng rồi tôi vẫn một mình cuốc bộ, vừa đi vừa động viên tinh thần cố gắng. Khi bàn chân đã phồng rộp lên, nắng chói chang khiến đầu óc váng vất, bất chợt tôi gặp anh lính hậu cần của đơn vị. Vừa đẩy xe thồ một loạt hàng nhu yếu phẩm, anh vừa hát:

Tôi đây anh lính hậu cần
Nhìn thì mập mạp nhưng cân lại gầy
Nấu nướng chỉ mất vài giây
Bao nhiêu là món chất đầy bàn ăn
Công việc đôi lúc khó khăn
Nhưng tôi, anh lính chẳng ngăn được mình

Bài hát khiến tôi bật cười, và chợt xấu hổ vì người lính hậu cần ngày nào cũng đi 2 lần qua con đường khó khăn ấy, lại chở hàng nặng, mà vẫn cất lên tiếng hát động viên mình, vậy thì sao mình không thể vượt qua? Chuyến hành trình ấy đã mang lại cho tôi hàng loạt phóng sự đậm hơi thở cuộc sống, mang lại nhiều giải báo chí có chất lượng, cũng vì gặp những con người chân chất mà đầy bản lĩnh như anh lính hậu cần ấy.

Giờ thì con đường lên xã Y Tý đã được trải bê tông lên đến tận cột mốc, những đoạn đường khó đi của các tỉnh, huyện biên giới trên khắp cả nước nay cũng đã được cải tạo, nâng cấp nên đi lại dễ dàng hơn. Nhờ đó mà đời sống bà con dân tộc và các chiến sĩ biên phòng được cải thiện hơn nhiều. Nhưng những kỷ niệm từ ngày đầu vẫn luôn trong tâm trí, nhắc nhớ tôi càng chuyên tâm hơn với con đường mà mình đã chọn.

 

Một số hành trang cho nhà báo tác nghiệp địa bàn biên giới hải đảo:

10 năm gắn bó, xông pha nơi tuyến đầu Tổ quốc, không ít những lời mời chào về công tác tại các cơ quan báo chí khác nhau. Khi lần lượt sinh 2 cháu, tôi cũng được lãnh đạo ưu tiên gợi ý phụ trách những mảng viết “nhàn nhã” hơn. Nhưng nỗi thấp thỏm nhớ rừng, nhớ biển cứ bám theo khôn nguôi. Khiến 1-2 tháng không lên đường lại thấy lòng mình chơi vơi nỗi nhớ. Không ít bạn bè đồng nghiệp biết chuyện nói tôi “dại” khi bám riết lấy mảnh đất xa xôi, công tác vất vả ấy. Nhưng chỉ có người say nghề mới thấm hết cảm giác tuyệt vời khi chinh phục ngã ba Biên giới A-pa-chải cực tây kỳ vĩ, khi ngắm hoàng hôn nơi biển đảo Trường Sa, khi ôm đàn ghita cùng các chiến sĩ biên phòng hát trên đỉnh Lũng Pô- nơi sông Hồng chảy vào đất Việt… Và còn nhiều nhiều kỷ niệm mà nếu ai chưa từng công tác ở nơi địa đầu Tổ quốc, không thể hiểu và cũng không thể “cảm” hết.

Với các bạn trẻ muốn dấn thân vào nghề báo, tôi chỉ có một niềm nhắn nhủ, rẳng miền biên ải, biển đảo là môi trường “thử lửa” thật sự, nếu trải qua và “sống” được ở đây thì cơ hội để phóng viên trưởng thành là rất lớn. Từ những ngày đầu bỡ ngỡ, đến nay “gia sản” tôi có được là niềm tin yêu của đông đảo thính giả vùng sâu vùng xa. Cái tên Thu Hòa đã trở thành “thương hiệu” đối với cán bộ chiến sĩ biên phòng hải quân trên khắp cả nước.

Qua bài viết này tôi mong được trao đổi đôi điều về một số hành trang cơ bản cho phóng viên tác nghiệp ở địa bàn biên giới hải đảo:

- Luôn sẵn sàng nhận lênh và đi bất cứ khi nào. Trong balo (nên ưu tiên ba-lô hơn vali vì địa bàn này cần hành trang gọn nhẹ) luôn phải có đủ máy móc phục vụ việc tác nghiệp, pin đầy đủ, dây sạc, điện thoại kết nối 3G…vì với phóng viên phát thanh truyền hình, bạn sẽ không thể tìm thấy 1 cục pin hay sóng wifi ở nơi “khỉ ho cò gáy” để gửi tin bài về tòa soạn.

- Lên kế hoạch cụ thể cho mỗi chuyến đi. Nếu bạn viết bài thì hãy chuẩn bị kỹ lưỡng đề cương chi tiết: Lời bình, kịch bản, những điểm nhấn cần quay phim, chụp ảnh đối với báo in, báo hình, báo Điện tử và báo ảnh. Còn với báo nói cần lựa chọn kỹ các đối tượng, các vấn đề cần ghi âm, phỏng vấn.

- Kiểm tra kỹ xe máy trước khi lên đường. Nếu là mùa mưa bạn hãy trang bị thêm cho xe máy của bạn hai bộ xích lốp để phòng đường dốc và trơn…

- Luôn phải tìm mọi cách giữ an toàn cho mình cả về tính mạng và tài sản. Chỉ cần sơ sểnh một chút khi tham gia giao thông bằng xe mô tô trên các con đường liên thôn, liên bản ở vùng cao rất dễ bị tai nạn. Hoặc trên đường tác nghiệp không tránh khỏi những rủi ro. Tôi còn nhớ năm 2006, khi băng rừng 2 ngày cùng với một cán bộ văn hóa huyện Tương Dương (Nghệ An), trở về anh mới nói cho tôi hay vùng này vẫn còn dấu chân của quân phỉ Lào, chỉ cần sơ sểnh mất mạng như chơi. Rất may là tôi nai nịt gọn gàng, tác nghiệp nhanh nhẹn, chuẩn bị thể lực tốt để đi bộ đường trường nên có thể theo kịp anh cán bộ vào địa bàn bà con dân tộc Ơđu…

- Nên học 1-2 tiếng dân tộc, tìm hiểu phong tục tập quán của mỗi địa bàn nơi ta đến. Mua cho gia đình chủ nhà cái gì bạn cho là hợp, có thể ít quà bánh cho trẻ em, gói thuốc lào cho người lớn và một tấm lòng chân thật thì bạn đến bất cứ bản vùng cao nào cũng được đón tiếp chân thành.

- Nếu đi biển đảo, bạn nên mang theo bên mình ít gừng tươi, bánh mì, khẩu trang… chống say tàu. Mũ, áo chống nắng, kính râm, túi bọc chuyên dụng chống va đập- chống nước dành cho máy ảnh, máy ghiam…Bánh, sữa, hay củ cà rốt thông thái (điều này tôi học được ở thầy Quang Hào từ ngày sinh viên) sẽ giúp bạn không bị đói trong trường hợp tác nghiệp cả ngày dài không kịp ngồi bàn ăn. Vì bây giờ phóng viên luôn đi cùng các tàu hải quân nên cũng đỡ lỉnh kỉnh mọi thứ. Nhưng hãy luôn tâm niệm một điều: Dù có nhảy xuống nước hay phải một mình nơi hoang đảo, bạn cũng tự chủ động được và cứu lấy mình trước khi chờ sự giúp đỡ.

 

Vĩ thanh

Công việc làm báo ở chương trình Biên giới- biển đảo gắn liền với những chuyến đi khắp các bản làng, đường đèo hiểm trở, sương mù, băng tuyết, lũ lụt. Tác nghiệp nơi vùng cao biên giới khó khăn gấp nhiều lần ở đồng bằng, thấm nghề rồi thì thấy vui, thấy yêu đất và người nơi đây. Càng khó khăn trên chặng đường tác nghiệp thì khi đặt bút viết lại càng dễ có cảm xúc, con chữ hình như cũng vì thế mà tuôn ra nhanh hơn. Đi khổ thì viết dễ - đó chính là đặc trưng của những người làm báo khu vực miền biên ải.

PV