Câu lạc bộ Nhà báo nữ tuổi 15

The player will show in this paragraph
Hơn 35 năm sau khi tốt nghiệp Đại học, trong dịp về dự Kỷ niệm 60 năm Ngày thành lập Trường Đại học Tổng hợp Huế, giữa hàng ngàn cựu sinh viên, tôi vẫn nhận ra chị với tà áo dài của Huế nhưng mang màu hoa anh đào nhẹ nhàng và duyên dáng, mà trước đó, cũng tại lần kỷ niệm 55 năm của Trường (năm 2012), chị đã có bài phát biểu đại diện cựu sinh viên khiến Thầy Cô và những người bạn cùng thời đều xúc động và không cầm được nước mắt.  

Tây Hồ - Trong nắng sớm mùa thu


Với Hồ Tây, mảnh đất từng hấp dẫn bao trái tim yêu của người Hà Nội qua các thế hệ trong hàng ngàn năm qua, ai đó thật khó có thể nói thành lời những cảm nhận đan xen nhiều tầng, nhiều lớp, vốn cũng đã không mấy rõ ràng tách bạch của chính lòng mình.  

 Hồ Tây của chúng ta, trong cái hữu hạn của không gian và lịch sử, lại hàm chứa vô hạn thế giới cảm xúc của muôn trái tim yêu, của bạn, của tôi và của bao thế hệ người Hà Nội

 

 Ấy là lúc đêm chưa vội tan và ngày chưa kịp tới

 

Tất  thảy còn  chìm đắm trong một bầu không gian mông lung và mịt mờ. Chỉ có nơi tiếp giáp giữa Hồ Tây và sông Hồng, nơi chợ hoa đêm Quảng Bá  là đã đầy ắp sinh khí của một ban mai đang đến.

Đã từng có biết bao chàng trai cô gái Hà Nội  dành trọn tình yêu của mình cho cái khoảnh khắc kỳ diệu, khi rạng đông vừa hé sáng trên mặt nước Hồ Tây. Đó là một tình yêu trong trẻo và diụ nhẹ đến như là mong manh và luôn mới mẻ, tinh khôi đến thành như ngỡ ngàng. Một tình yêu vừa như muốn giấu nhờ vào màn sương mờ mông lung che phủ, vừa như muốn hé nở trong ánh nắng ban mai đang le lói trên từng bờ cây, ngọn cỏ, con sóng Tây hồ.

Và trong cái khoảnh khắc  kỳ ảo như thế, đôi khi lời nói lại trở thành những âm thanh thô vụng nhất.

 Những vạt cỏ mềm còn đang thấm đẫm  sương đêm. Những giọt sương li ti như hơi thở của đất trời ngưng đọng lại trong giây phút rời xa nhau đầy lưu luyến . Giờ này, chàng Ngưu Lang cùng với nàng Chức Nữ , chừng đã nguôi ngoai nỗi nhớ qua một kỳ mưa Ngâu tái hợp miên man dằng dặc.

Hồ Tây yên ả trong làn sương nhẹ êm. Sương chớm thu Tây Hồ mỏng tang như cánh chuồn mặt nước. Không đục mờ, nặng trĩu như sương mùa đông, tháng giá. Ngỡ như từ dưới mặt nước phẳng lặng, có một nàng tiên  ẩn mình   đang chợt tỉnh giấc và  cất  đôi cánh mỏng manh bay lên theo tiếng gọi nào đó diệu huyền mà rất đỗi mơ hồ trên cõi xa.

 Gió đưa cành trúc la đà

 Tiếng chuông Trấn Võ canh gà Thọ Xương

 Mịt mờ khói toả cành sương

 Nhịp chày Yên Thái mặt gương Tây Hồ

Và không biết tự bao giờ, trong màn sương giăng đã thấp thoáng bóng những lá thuyền chở những ngư dân bên hồ đi đón đôi ba mẻ cá tôm sớm.  Chuyện xưa kể rằng: từ thời nhà Lý, bên mé tây của hồ Tây, đã từng xuất hiện một ngôi làng mang tên Võng Thị tức là làng  Chợ lưới. Ngôi làng đó đến nay vẫn còn đó... Quang cảnh có khác là bao với lời thơ của Nguyễn Huy Lượng trong bài Tụng Tây Hồ phú cách đây đã ngoại hai trăm năm:

Chày Yên Thái nện trong sương chuyểnh choảng      

Lưới Nghi Tàm ngăn ngọn nước quanh co

Nhịp chày giã gió , nhịp chày giặt lụa  năm xưa nay đã chìm dần vào dĩ vãng. Giấy Nghè,  Lĩnh Bưởi chỉ còn lại trong những áng ca dao. Xa rồi nỗi ước ao của những cô gái bên hồ

Lụa làng Trúc vừa thanh vừa bóng

 May áo chàng cùng sóng áo em

Những cánh chim đang dần vút xa kia có phải chăng là của giống chim quý sâm cầm, một đặc sản nổi danh của chốn Tây hồ, một trong Tây Hồ Bát Cảnh  còn rơi rớt lại đến hôm nay.

 Đâu rồi những Bến trúc Nghi Tàm, Rừng bàng Yên Thái, đồng bông Nhật Chiêu, Phật say làng Thuỵ...

 

Thời gian. Thời gian đâu có thể đổi ngược dòng!

Song những gì có khả năng trường tồn cũng năm tháng cũng ẩn chứa bên trong  một sức mạnh tiềm tàng không dễ rã tan, mai một.

Có một thời, người Hà Nội đã từng thấp thỏm âu lo vì nỗi sợ mất đi những đầm sen Tây Hồ nên thơ cùng hương sen Tây Hồ đượm ngát . Và quả thật, bây giờ, đâu còn thấy bóng hoa sen đầm Trị, đầm Xứ nổi danh một thời.  Nhưng phải chăng,  những cơn gió Hồ Tây nhiệm màu đã thổi dạt hồn hoa  về bên cõi bắc , chỗ giáp với dòng sông Hồng- sông Mẹ , để mỗi mùa hạ đến, từ những ngó tơ non bấy,  lại hiện hình bát ngát đầm sen mới nơi bờ đê, trong một khoảng gương hồ Nhật Tân sóng lặng,  cho tới tận lúc thu về.

Mỗi sáng mai thức dậy, đầm sen mới Nhật Tân lại thả hương quyến rũ hồn người và hứa hẹn cho sự tồn vinh dài lâu của những món quà đặc sản mang tên sen Tây Hồ. Mứt sen, cơm sen, chè sen, trà sen. Trong đó, đầu bảng không gì khác, chính là trà sen Tây Hồ

Bên bờ đê Quảng Bá, Nghi Tàm còn thấm đẫm màu sương, đã thấp thoáng bóng người gánh hoa về chợ Quảng-  phiên chợ ban mai đặc biệt của Hà Nội.

Có bao nhiêu loài hoa từ bao nhiêu miền  chảy về tụ hội nơi chợ hoa đầu mối này.

Và mỗi năm Hà Nội có thêm bao nhiêu loài hoa mới mang đến muôn phương? Có ai đã từng làm phép tính với hoa?

Những mái đình mái chùa soi bóng trên làn nước Hồ Tây dưới làn nắng sáng trong càng lộ vẻ rêu phong, thâm nghiêm, cổ kính. Trải mấy trăm năm, hình hài  đền miếu đã bao phen trồi sụt . Chỉ những mái đao cong vẫn in  dấu trên bầu trời thăm thẳm những câu hỏi lặng thầm mà buốt nhói . Hay đó cũng chính là những câu trả lời  đanh thép mà cũng rất đỗi dịu dàng qua biết bao biến động của thời gian  và thế sự

 Trời thu Hà Nội sao có thể xanh,  xanh đến thế?

Sáu mươi di tích có lẻ vẫn rải rác nương bóng bên những con sóng Hồ Tây, khiến Hồ Tây trở thành một quần thể di tích  văn hoá lịch sử sáng giá nhất của thủ đô và cả đất nước

Người Thăng Long xưa muốn nhắn gửi điều gì qua tên gọi những ngôi chùa bên hồ Tây:  Thiên Niên, Vạn Niên, Ưc Niên, Khai Quốc, Trấn Quốc...

Chợ nhớ câu thơ hay chính là khúc hát của thi sĩ, nhạc sĩ tài hoa Nguyễn Đình Thi

Đây Hồ Gươm , Hồng Hà,  Hồ Tây

Nơi lắng hồn núi sông ngàn năm

Và câu chuyện tình diễm tuyệt giữa công chúa Liễu Hạnh và chàng trạng nguyên làng Bùng , Phùng Khắc Khoan như vẫn còn  bảng lảng , vương vấn đâu đây trên những mành tơ liễu Phủ Tây Hồ  linh thiêng,  huyền ảo.

Màu xanh của cây cỏ và màu xanh của những con sóng hồ Tây ngàn vạn năm qua vẫn xanh mãi một màu xanh khởi thuỷ, và ngàn vạn năm tới,  có lẽ vẫn là một màu xanh vĩnh hằng. 

Song, những rặng liễu trong khúc hát  sang thu liệu có dễ giữ màu.?

Dẫu biết quy luật của đất trời khó bề thay đổi. Song lòng người vẫn giăng mắc vấn vương bao là nỗi hoài nghi,  đồng hành cùng những niềm hy vọng phấp phỏng,  đợi mong

  Khi nắng mới đã bừng lên rực rỡ, những mảnh vườn hoa Nghi Tàm, Quảng Bá, những cánh đồng hoa Xuân La, Nhật Tân- Phú Thượng  xôn xao thức dậy. Những đoá hoa,  hay là những bông nắng bừng lên ấm áp, bỗng lại như rực rỡ, lộng lẫy muôn phần, trong sự giao hoà tuyệt diệu với những tia nắng từ trời cao thả xuống chói chang, nồng nàn mà thanh khiết.

Những đoá hoa thắm tươi đang chờ đợi sự dâng hiến trọn vẹn cho niềm vui của người Hà Nội, trong những lễ hội, những cuộc vui liên hoan, cưới hỏi, những cuộc khai trương tưng bừng rộn rã.  

Vườn quất nhà ai đó ở ria làng Quảng Bá , Tứ Liên mùa này đang hút nắng ngả màu,  để ủ ấp sắc vàng qua mùa đông giá rét,  đặng cho người Hà Nội mừng đón xuân sang

Dẫu rằng bóng dáng hàng ngàn ngôi biệt thự khách sạn có nguy cơ che lấp dần khoảng không gian xanh của những ngôi làng  bé bỏng. Nhưng liệu có dễ mất hết đi những gì gọi là tinh hoa sáng giá trải đã ngàn năm của đất kinh kỳ, đế đô.

Sao ta lại không cùng nhau trở lại với chợ hoa sớm bên bờ đê sông Hồng?

Những dòng suối hoa tưởng như vô tận đang trôi dần về các nẻo đường trong thành phố.

Dòng suối hoa chỉ từ từ dứt đoạn khi đất trời đã chan hoà trong bầu nắng mới.

Khi mặt trời đã ngang ngọn con sào, nhịp sống hàng ngày của Hà Nội đã bắt đầu trỗi dậy hối hả, dồn dập.

Song bên Hồ Tây, không gian và cảnh sắc không vì thế mà mất đi vẻ khoáng đạt và nên thơ.

Những chuyến du hành mới lại bắt đầu trên những con sóng thênh thang. Cảm nhận về một sớm mai hồ Tây, như thế, chắc sẽ có nhiều điều chông chênh,  thiếu khuyết.  Song có ai và có bao giờ, nhân gian  lại hài lòng với những lời  tụng ca về sự tròn trĩnh và no đủ trong một thứ tình cảm như là tình yêu.

Vũ Thị Tuyết Nhung