Câu lạc bộ Nhà báo nữ tuổi 15

The player will show in this paragraph
Hơn 35 năm sau khi tốt nghiệp Đại học, trong dịp về dự Kỷ niệm 60 năm Ngày thành lập Trường Đại học Tổng hợp Huế, giữa hàng ngàn cựu sinh viên, tôi vẫn nhận ra chị với tà áo dài của Huế nhưng mang màu hoa anh đào nhẹ nhàng và duyên dáng, mà trước đó, cũng tại lần kỷ niệm 55 năm của Trường (năm 2012), chị đã có bài phát biểu đại diện cựu sinh viên khiến Thầy Cô và những người bạn cùng thời đều xúc động và không cầm được nước mắt.  

Cô gái Huế nơi xứ sở Phù Tang

Cô gái có cái tên rất dịu dàng và duyên dáng như chính con người của cô vậy: Mai Hoài Giang. Hoài Giang sinh ra và lớn lên ở xứ Huế, trong tình yêu thương của mẹ và ông bà ngoại. Mẹ của cô là cô giáo dạy tiếng Nhật Trần Phương Liên, làm mẹ đơn thân, tật nguyền nhưng nuôi con và dạy dỗ con bằng cả trái tim hoàn hảo, thương con nhiều như nước dòng sông Hương.


  • Phỏng vấn với TOKYO FM

  • Tham dự tiệc của chính phủ Nhật chào mừng thành công chuyến viếng thăm của Nguyên Chủ Tịch Nước Trần Đại Quang (có sự tham gia của Vua và hoàng hậu Nhật Bản)

  • Phỏng vấn với Kigyou Techo - Tổ chức chuyên hỗ trợ khởi nghiệp

  • Trưng bày xích lô tại Lễ Hội của Umeda Hankyu - Trung tâm Thương mại cao cấp nhất tại Osaka

  • Cùng đoàn của Hạ Nghị Sĩ Aoyagi Yoichiro tổ chức Lễ Hội Việt Nhật tại TP.HCM nhân kỉ niệm 45 năm quan hệ Việt Nhật

  • Chụp cùng mẹ ở Đà Nẵng lần về Việt Nam đợt trước

 Tuổi thơ thiệt thòi và xuất phát điểm đáng tự hào

 

Lớn lên trong vòng tay của ông bà ngoại và sự khiếm khuyết của người mẹ tật nguyền, Hoài Giang đã ý thức được hoàn cảnh của mình so với các bạn cùng trang lứa. Thừa hưởng được đức tính ham học, hiếu học và chịu khó của mẹ, những ngày đầu đến trường bắt đầu từ mẫu giáo, cô bé rất năng nổ, thường xuyên tham gia các hoạt động từ lớn tới nhỏ. Năm lớp 1 đến năm lớp 12, cô làm lớp trưởng, Bí thư, Ban Chấp Hành Đoàn trường, tham gia không thiếu một hoạt động nào của trường, của lớp, rồi của thành phố, của tỉnh, của Trung Ương. 

Năm lớp 6, Hoài Giang tham gia vào CLB Phóng viên nhỏ của Đài Tiếng Nói Việt Nam, một hoạt động vô cùng ý nghĩa, lần đầu tiên được tổ chức với mục đích để trẻ em tự nói lên tiếng nói của mình, để “trẻ em viết cho trẻ em, về trẻ em”. Cùng với các hoạt động của CLB, cho đến hết cấp 3, Hoài Giang đã làm phóng viên, làm phát thanh viên cho Đài phát thanh , cho Đài truyền hình, tham gia các hoạt động của UNICEF . 

Nhờ hiếu động, nhớ nhanh, hiểu nhanh, và luôn luôn được ưu ái đón nhận sự chỉ bảo tận tình của thầy cô, nên năm nào cũng đạt danh hiệu học sinh xuất sắc. Năm lớp 5 cô bé đạt giải Quốc Gia môn Văn, lớp 10 thi đậu Chuyên Anh Quốc Học. Năm 2002 lúc học lớp 11, khu vực ASEAN tổ chức cuộc thi “Tìm hiểu về ASEAN” giữa các nước, đội của Giang thắng giải ở cuộc thi Trung Ương, được cử làm đại diện Việt Nam đi tham dự cuộc thi tại Băng Cốc. Tại cuộc thi này, đội tiếp tục đạt giải nhất. Đến lớp 12 Cô đạt giải Quốc Gia môn tiếng Anh, được tuyển thẳng vào Học viện Quan Hệ Quốc Tế. Với tất cả những thành tích trên, cuối năm 12 cô được cử làm đại diện học sinh của Tỉnh Thừa Thiên Huế tham dự Đại Hội Đoàn Toàn Quốc, và cũng trong năm đó, khi vừa bước sang 18 tuổi, Hoài Giang vinh dự được đứng vào hàng ngũ của Đảng. 

Là Đảng viên trẻ, ở Học viện Quan Hệ Quốc Tế, Hoài Giang được cử đi thi “Nét đẹp nữ sinh ngoại giao” được chọn làm Á Khôi năm đó. Khi tất cả vừa mới bắt đầu, thì Hoài Giang nhận được học bổng du học Nhật.

 

Bước ngoặt

 

Cô bé Hoài Giang có duyên với đất nước Nhật từ bé, hồi mới 5 tuổi, ông ngoại cô mời về nhà một người Nhật ông gặp và trở thành bạn ở trên tàu... Từ đó, cuộc sống của gia đình Hoài Giang thay đổi, Mẹ Hoài Giang học tiếng Nhật, trở thành giáo viên tiếng Nhật, cô có điều kiện được tiếp xúc với người Nhật, với văn hóa Nhật, được đi Nhật chơi và ước mơ đi du học Nhật từ đó. 

Nhận học bổng, Hoài Giang vào học ở trường Ritsumeikan Asia Pacific University (APU), đây là ngôi tường khá nổi tiếng ở Nhật đối Việt Nam, cũng như được biết đến ở nhiều nơi trên thế giới. Lúc này, trường mới thành lập được 4 năm, nằm trên một ngọn núi cao ở vùng Beppu hẻo lánh... Hoài Giang đã chọn APU, vì trường đặc biệt hội tụ tất cả những tiêu chí mơ ước về một nơi lí tưởng để học tập và phát triển: một ngôi trường ở Nhật, nhưng là môi trường quốc tế, có thể học toàn bộ bằng tiếng Anh, chú trọng sự phát triển và cống hiến toàn diện của sinh viên trên nhiều lĩnh vực, chứ không phải chỉ riêng thành thích học tập etc.. 

 APU là một mô hình giáo dục đặc biệt thành công, đào tạo những con người thế hệ mới, góp phần giải quyết rất nhiều vấn đề cho chính phủ, xã hội và kinh tế Nhật... Các thủ tướng, quan chức cấp cao của Nhật, cũng như của nhiều nước, giờ đây thường xuyên đến thăm trường. Báo đài phát liên tục về APU. Và với tư cách là một trong những học sinh lứa đầu tiên của trường, cô có niềm tự hào được góp phần cùng APU phát triển. 

Năm 2008 trước khi tốt nghiệp, chính phủ Nhật có chính sách đưa 300 nghìn du học sinh nước ngoài vào Nhật. Lúc đó Hoài giang cùng trường APU được cử làm đại diện du học sinh toàn nước Nhật lên phát biểu trước thủ tướng đương thời là ông Fukuda trong một buổi họp của chính phủ. Và cũng 10 năm sau, tháng 3 năm 2018 vừa qua, cô tiếp tục được làm đại diện sinh viên tốt nghiệp của APU tham dự và phát biểu tại một buổi họp nội các về tình hình lao động nhập cư tại Nhật. Hoài Giang luôn tự hào về APU, và APU cũng luôn tự hào về cô sinh viên Việt nam bé nhỏ của trường. 

 

Lập nghiệp và khẳng định nơi xứ người

 

Tốt nghiệp ra trường cô đã chọn xứ sở Phù Tang làm quê hương thứ hai của mình, bằng việc lập gia đình và làm công việc mình yêu thích. Đây cũng là điểm mạnh của Hoài Giang là thích thử thách bản thân. Ở đất nước mặt trời mọc này, những người phụ nữ năng nổ trong công việc, thường ít có cơ hội làm vợ làm mẹ, người ta chỉ được chọn một trong hai. Nhưng vì là người Việt Nam, Hoài Giang đã biết cách để vẫn thành công trong sự nghiệp, mà cũng hoàn thành cả các thiên chức của mình. Đến bây giờ, cô cảm ơn bản thân năm 24 tuổi, đã dũng cảm quyết định như vậy, để hôm nay có bên cạnh một cậu con trai - một người bạn đồng hành tuyệt vời nhất trong cuộc sống. ..

Khi vừa tốt nghiệp, Hoài Giang vào làm cho tập đoàn Fast Retailing (tập đoàn mẹ của Uniqlo). Lúc đó Hoài Giang là người Việt Nam đầu tiên trở thành nhân viên chính thức tại Tổng Công Ty. Sau 5 năm làm việc, để cân bằng sự nghiệp và cuộc sống, Hoài Giang chuyển sang làm việc trong một hãng sản xuất thiết bị phòng thí nghiệm. Cô được giao quản lí thị trường khoảng gần chục nước, trong đó có Việt Nam. Mỗi ngày làm việc, đều đến đúng giờ, về đúng giờ, không làm thêm một tí nào cả - là điều khá hiếm ở các công ty Nhật. Nhưng vì vẫn tạo được cho công ty rất nhiều thành quả, nên năm 2015, khi công ty được giới thiệu trên báo Nhật, cô được chọn làm gương mặt nhân viên tiêu biểu của công ty . 

Năm 2016, với bản tính năng động, thích khám phá cái mới, Hoài Giang tiếp tục thử thách bản thân trong lĩnh vực sự nghiệp bằng sự kiện thành lập công ty RAROMA và năm 2017 chính thức đi vào hoạt động. Nước Nhật không phải là một môi trường lí tưởng để khởi nghiệp, đặc biệt là với phụ nữ. Nhưng điều đó không có nghĩa là không thể. “Cuộc đời mỗi người chỉ có một, mình muốn thực hiện tất cả những gì mình mơ ước. Chỉ cần nghĩ tới, thì sẽ tìm cách thực hiện, mình tin rằng với nỗ lực và cố gắng là sẽ thành công” Đó là phương châm sống cũng như tiêu chí mà Hoài Giang hướng đến.

Công ty RAROMA có mục tiêu trở thành “Cầu nối Việt Nhật”, điều mà cô tin là sứ mệnh của mình, được truyền lại từ Mẹ. Với rất nhiều người dân Nhật, cũng như người dân trên thế giới, hình ảnh Việt Nam vẫn là một nước nghèo, cái gì cũng rẻ : đồ đạc giá rẻ, dịch vụ giá rẻ, nhân công giá rẻ... Nhưng Hoài Giang muốn thông qua chiếc cầu nối của RAROMA, có thể đưa đến Nhật, đến thế giới hình ảnh một Việt Nam khác - một Việt Nam cao quí và sang trọng. Và dự án đầu tiên của cô là “Xích Lô Limousine”. 

Ý tưởng của dự án này,  tâm huyết của cô muốn có một phần của Huế ở bên cạnh. Với sự phát triển trong mối quan hệ Nhật Việt, giờ đây ở Nhật Hoài Giang có thể ăn bún bò, mặc áo dài, mua mắm ruốc... và đi xích lô. 

Một lí do nữa, là cô muốn chung tay với Huế “cứu” xích lô. Với sự đô thị hóa ở Việt Nam, giờ đây không còn mấy địa điểm xích lô được tự do vận hành, trừ Huế, hay phố cổ Hội An. Một nét đẹp văn hóa như vậy, không muốn ngồi yên nhìn nó đứng trước nguy cơ diệt vong. “ Mình không thể thay đổi chính sách hay xã hội tại Việt Nam, thì mình đưa Xích Lô sang đây, tìm một con đường phát triển mới cho nó, để văn hóa xích lô của Việt Nam mãi mãi được tồn tại, thậm chí là vẻ vang ở môi trường quốc tế.” Hoài Giang đã chia sẻ như vậy. 

Con đường cô chọn, là giới thiệu dịch vụ “Xích Lô Limousine”. Hình ảnh chiếc Xích Lô thân thương với người Việt Nam, quen thuộc với nhiều khách du lịch, là hình ảnh của một cái gì khắc khổ, xưa cũ. Nhưng bản thân xích lô là một chiếc xe được thiết kế theo phong cách cổ điển, vô cùng đẹp và tinh tế. Ngày xa xưa, chẳng phải chỉ có các bà, các cô quyền quí mới ngồi được xích lô đó sao? Cô đã giới thiệu đến bạn bè Nhật một hình ảnh xích lô quyền quí như vậy. Và hình ảnh này đã vô cùng được đón nhận, đặc biệt là trong lĩnh vực truyền thông ở Nhật trong những ngày đầu tháng 9 năm 2018.

Xích lô Limousine là phần đầu tiên trong sứ mệnh làm thay đổi cái nhìn của thế giới về Việt Nam, thông qua các hoạt động và dịch vụ cầu nối. Con đường vẫn còn dài, vẫn còn rất nhiều thử thách, khó khăn, rất nhiều việc để làm, và Hoài Giang vẫn đang đi tiếp...

Xin chúc cho thương hiệu “Xích Lô Limousine” của cô được lan tỏa trên đất nước bạn!

Và cũng xin chúc cô gái Huế mảnh mai, dịu dàng Mai Hoài Giang sẽ đứng vững, vượt qua mọi gian truân để khẳng định mình bằng sự nghiệp nơi xứ sở Phù Tang.

THANH BÌNH