Câu lạc bộ Nhà báo nữ tuổi 15

The player will show in this paragraph
Hơn 35 năm sau khi tốt nghiệp Đại học, trong dịp về dự Kỷ niệm 60 năm Ngày thành lập Trường Đại học Tổng hợp Huế, giữa hàng ngàn cựu sinh viên, tôi vẫn nhận ra chị với tà áo dài của Huế nhưng mang màu hoa anh đào nhẹ nhàng và duyên dáng, mà trước đó, cũng tại lần kỷ niệm 55 năm của Trường (năm 2012), chị đã có bài phát biểu đại diện cựu sinh viên khiến Thầy Cô và những người bạn cùng thời đều xúc động và không cầm được nước mắt.  

Bà thợ áo dài trên phố Lương Văn Can

Sáng sáng, trên phố Lương Văn Can, hiệu áo dài Vinh Trạch ở nhà số 23 thường mở cửa khá sớm so với các hiệu áo dài khác.  Có lẽ bởi bà chủ cửa hàng cao tuổi, chắc ít ngủ, hay dậy sớm. 

Bà tất tả treo thêm dăm tấm vải áo dài mới lên hai con sào dài vắt dọc hai cửa hàng, lôi chiếc chổi lúa rơm ra quét đi quét lại cho sạch bóng hai tấm phản gỗ lim dày dặn đến hàng tấc. Hai tấm phản này vốn là hai tấm phản làm nghề truyền thống trong mỗi nhà may áo dài lâu năm ở Hà Nội. Trên hai tấm phản kê sát nhau ấy, hàng chục người thợ có thể ngồi trên để khâu tà, đính khuy, viền hoa...

Sau đó, bà chạy vội ra phố mua đồ ăn sáng về cho ông. Bởi ông bị hậu quả mấy trận tai biến nhẹ nên chỉ có thể ngồi một chỗ bên cạnh bàn cắt may, ra ý có người để trông hàng đó thôi. Ốm đau lâu ngày nên ông khó tính lắm. May chỉ có bà là chiều được

 Chứ mấy chục năm trước, khi còn trai tráng, ông vốn là một tay thợ lỹ thuật cắt may áo dài, áo bông áo kép giỏi giang của Hợp tác xã may Dân Chủ trong khu phố cổ Hoàn Kiếm. Ông còn làm tới chức cụ Cửa hàng trưởng cơ đấy . Hợp tác xã là nơi tập hợp các bà con làm nghề may ta đơn lẻ sau hòa bình lập lại năm 1954  ở Hà Nội.

 Ông và bà đều là người dân làng nghề áo dài truyền thống Trạch Xá, xã Hòa Lâm, huyện Ứng Hòa, xưa thuộc tỉnh Hà Tây nay thuộc thành phố Hà Nội . Những con dân của làng nghề từ cuối thế kỷ 19 đã tỏa đi khắp bốn phương làm nghề may áo quần cho người dân Bắc Kỳ và cả Trung kỳ, Nam kỳ nữa. Nhưng ngày xưa may theo từng gia đình, chứ không mở hiệu như thời kỳ bước sang thế kỷ 20 , đặc biệt là trong thời kỳ tạm chiếm 1947 đến 1954 và sau này. Ở Hà Nội, họ tập trung trên phố Lương Văn Can và các phố lân cận, đặc biệt mở rộng sau những năm thống nhất đất nước và những năm bước vào thời kỳ đổi mới, hội nhập và phát triển

Ông Lê Văn Vinh sau ra làm riêng, mở hiệu áo dài lấy tên là Vinh Trạch, cũng như những người gốc làng Trạch Xá trên phố lấy tên là Đức Trạch, Vân Trạch, Đông Trạch...

 Bà Lê Thị Quyến sau khi nghỉ làm nhà nước cũng về cùng chung tay với ông trông nom cửa hàng, giúp giập những công việc phụ vốn rất lắt nhắt của nghề may. Từ khi ông nhà đổ bệnh ốm, gần chục năm trước, bà trở thành thợ chính , làm đủ các công việc của nghề may áo dài. Nào đo, cắt, may, đính khuy, viền tà....

 Xem ra trong giới thợ may ta cũ ở Hà Nội, quãng độ 70 tuổi trở lên, thì chỉ có bà Quyến là người phụ nữ giỏi nghề nhất . Bà Quyến năm nay đã 76 tuổi. Nhưng việc cắt may, xâu kim. khâu vắt đều thành thục, chưa cần phải đeo kính

 Như nhiều nhà áo dài phố cổ, hiệu may Vinh Trạch cũng có nhiều vị khách quen là những người phụ nữ ba bốn thế hệ trong các gia đình, và cũng có nhiều khách vãng lai đến từ các vùng miền khác, thậm chí là khách du lịch nước ngoài

Những năm gần đây, khi các hiệu áo dài thời trang lớn mở ra trên nhiều khu phố khác ở Hà Nội với nhiều kiểu mẫu áo dài cách tân mới lạ, thì nghề may áo dài trên phố Lương Văn Can cũng sa sút đi nhiều. Một số hiệu đóng cửa, một số hiệu dọn hàng áo dài lên gác, dưới nhà mở cửa hàng đồ chơi. Duy có nhà bà vẫn giữ vững cả hai cửa hàng Vinh Trạch bên số lẻ và bên số chẵn. Ông bà có ba trong số 7 người con nay vẫn theo nghề áo dài do ông bà dạy dỗ từ trước đây. Đặc biệt cô con gái đứng chủ cửa hàng Vinh Trạch thứ 2 cũng khá đông khách. Vì cô vốn lanh lợi, lại có thêm chút vốn ngoại ngữ , nên giao tiếp với khách nước ngoài khá thuận lợi. Nhiều khi khách du lịch đặt may áo dài, từ sáng đến chiều đã xong, khác nào các hiệu may ở Huế hay Hội An. Ngoài ra, co còn buôn bán thêm các loai áo dài dành cho trẻ em nữa. Nên cửa hàng trông sầm uất hơn cả cửa hàng chính của ông bà Vinh - Quyến

Tục ngữ có câu: Nhất nghệ tinh nhất thân vinh. Lại có câu: Con hơn cha là nhà có phúc. Xin chúc bà luôn luôn khỏe mạnh, để vừa chăm sóc cho ông nhà, vừa giữ nghề truyền thống và là chỗ dựa tinh thần vững chãi cho các con bền bỉ, vững tâm theo đuổi  nghề quý cha ông mãi mãi

 Vũ Thị Tuyết Nhung