Câu lạc bộ Nhà báo nữ tuổi 15

The player will show in this paragraph
Hơn 35 năm sau khi tốt nghiệp Đại học, trong dịp về dự Kỷ niệm 60 năm Ngày thành lập Trường Đại học Tổng hợp Huế, giữa hàng ngàn cựu sinh viên, tôi vẫn nhận ra chị với tà áo dài của Huế nhưng mang màu hoa anh đào nhẹ nhàng và duyên dáng, mà trước đó, cũng tại lần kỷ niệm 55 năm của Trường (năm 2012), chị đã có bài phát biểu đại diện cựu sinh viên khiến Thầy Cô và những người bạn cùng thời đều xúc động và không cầm được nước mắt.  

Những tấm áo dài của Mẹ

Thấm thoắt, mẹ tôi ra đi đã tròn một năm trời. Sau bữa giỗ, chị em tôi cùng giở lại mấy kỷ vật ngày xưa ...


 

Năm ngoái, mẹ tôi ngã bệnh nặng, chạy chữa thuốc thang suốt hơn nửa năm trời không thuyên giảm. Mấy ngày cuối cùng, mấy mợ, mấy thím trong họ qua thăm, lúc ra về, đều gọi chị em tôi ra bảo nhỏ: “ Sắp sửa cho mẹ đi, kẻo khi việc xảy ra lại vội vàng”

Dù thương mẹ đứt ruột, nhưng chị em tôi không thể không nghe lời các thím, các mợ.

Ngăn tủ quần áo của mẹ được giở ra. Nhà chật, đương nhiên mẹ trông thấy hết, dù bà đã nằm liệt trên chiếc giường nơi góc phòng. Mẹ bình thản bảo tôi, lúc ấy đang ngồi xoa lưng cho bà:

Các chị đang sắp sửa cho mẹ đi đấy!

Tôi suýt ứa nước mắt, song vội gạt đi:

Mẹ cứ nghĩ quẩn, mấy hôm rồi mưa ngâu, sợ quần áo ẩm, chúng con lấy ra đem phơi thôi mà.

Mẹ tôi lắc đầu nhẹ, gọi chị cả tôi đem lại cho bà một bọc gói lớn xếp trên ngăn tủ cao nhất. Bọc khăn vuông sợi chéo “ mậu dịch”, nền xanh hoà bình kẻ viền màu nâu, dấu vết của thời bao cấp cách đây đã gần 40 năm. Ấy là bọc áo dài của mẹ, áo dài cũ. Còn những chiếc áo đang dùng, vẫn treo sắp hàng trên mắc, trong ngăn tủ gương.

Tôi run run mở mãi mới được chiếc nút khăn buộc chéo dễ đến hai ba múi chặt.  Một khoảng trời ký ức xa xưa như chợt hiện về trong ánh mắt mờ đục của mẹ. Bàn tay người run rẩy mân mê hạt khuy áo ngọc trai trên chiếc áo dài lụa Bombay màu be hồng đã lỗ chỗ đôi ba nốt bã chè. Tôi biết, đó là tấm áo dài duy nhất của mẹ còn lại từ những năm 50 của thế kỷ trước. Thời ấy, cha tôi đang còn là một ông chủ hãng xe vận tải nhỏ ở Hà Nội, cảnh nhà cũng khá sung túc. Chiếc áo này mẹ đã mặc khi bế tôi đứng chụp ảnh cạnh chiếc xe nhà, bên hè phố Cửa Đông. Chiếc ảnh ấy nay hãy còn lưu trong tập ảnh gia đình.

Còn hàng chục chiếc áo của mẹ may cùng dạo ấy, thì vào thời chiến tranh chống Mỹ, chị em tôi đã lôi hết ra để cắt may thành những chiếc áo mặc hàng ngày. Tội nghiệp, khi còn là áo dài thì trông chúng duyên dáng vậy, mà đến khi sửa thành áo sơ mi, trông chúng rõ ra là đồ thừa thẹo, chắp vá. Mẹ cứ nhìn chị em chúng tôi diện áo mà chẳng khen chê câu nào. Thi thoảng người lén thở dài, chắc là không muốn cho chị em tôi biết rằng người nhớ tiếc lắm vẻ đẹp của một thời cùng bao kỷ niệm về những dịp hội hè, cưới xin, tết nhất thanh bình, êm ấm. Dạo ấy vải vóc khó khăn lắm, mà ai dám chắc sẽ có lúc nào lại được mặc áo dài đi chơi trên phố Hà Nội?

Một tập áo khác, bàn tay mẹ yếu ớt cố cầm soi lên luồng ánh sáng nơi cửa sổ. Đây là bộ áo kép của bà ngoại. Bà ngoại  để lại cho mẹ tôi  khi người khuất núi. Áo lụa tơ tằm Hà Đông. Chiếc áo bên trong là áo đoạn màu vàng chanh, chiếc áo bên ngoài là áo nhiễu màu huyết dụ. Thuở sinh thời, bà ngoại tôi thường kể, phụ nữ Hà Nội thời ấy, khoảng những năm đầu và giữa thế kỷ 20, đã ít người mặc áo mớ ba tứ thân theo lối cổ, nhưng thường mặc áo kép đôi năm thân như thế. Không mấy ai chỉ mặc áo đơn. Ấy là chưa kể lượt áo cánh ngắn mặc lót bên trong. Như thế mới là kín đáo, lịch sự.

Bên dưới bọc là một tấm áo dài mùa đông, một mặt bằng lĩnh đen, thứ lĩnh Bưởi bóng nhẵn, một mặt là thứ vải láng đen hay chéo đen, tôi cũng không phân biệt rõ lắm. áo trần lối quân cờ. Chiếc áo chỉ mới hơi sờn một chút nơi khuỷu tay. Mẹ thầm thào nhắc:

-Mấy hôm rồi mẹ hay nằm mơ thấy bà ngoại các con...

Tôi bỗng sực nhớ lại hình ảnh của bà ngoại tôi những ngày mùa đông rét mướt cách đây đã trên ba bốn chục năm. Bà thường ngồi uống trà trên chiếc trường kỷ cũ kỹ, mặc đúng tấm áo dài này. Trên đầu người đội tới hai chiếc khăn. Chiếc khăn láng đen bên trong buộc lối mỏ quạ, phủ ngang trán. Chiếc khăn len  bên ngoài màu vàng mơ chỉ trùm ngang đỉnh đầu và thắt múi dưới cằm. Hai tay người thu lu ôm chiếc bình ủ nước nóng quấn mấy lần khăn vải hoa.

Rồi mẹ tôi bảo chị cả tôi mở chiếc tủ gương, ánh mắt người chầm chậm lướt qua cả một dãy áo dài mắc  thành hàng trên thanh suốt ngang. Tiếng nói của mẹ nghe đã hơi thều thào song cũng còn khá rành rẽ:

-Cái áo gấm thất thể, mẹ để cho mợ các con( tức là em dâu của mẹ tôi), mợ vẫn thích một chiếc như thế mà chưa có dịp may, mợ vốn nhiệm nhặt quá. Cái áo sa tanh nâu thêu hoa cúc vàng kia, các con đem về cho thím Hai ở dưới quê. Thím cũng già rồi, chắc hay đi lễ...Còn những chiếc áo khác, các dì, các thím, ai thích chiếc nào thì lấy chiếc ấy.. .

Đôi mắt mẹ như bỗng mờ đi xa xăm...Chắc có lẽ người đang nhớ về cái thời tản cư năm 46, chị em dâu gái đùm bọc cháo cơm, khoai sắn,  nuôi cháu, nuôi con trong những chiếc ổ rơm vàng ấm áp...

Dừng một lát, người nhắc:

- Khi mẹ đi thì chỉ cần mặc cho mẹ chiếc áo nhung hoa là đủ...

Tấm áo dài nhung hoa, mẹ tôi có dễ may vào thời những năm sau sau khi đất nước đã thống nhất. Mảnh nhung  do chị cả tôi đi công tác châu Âu mua tặng. Còn tấm gấm thất thể do tôi sang du lịch Trung Quốc lựa về. Mảnh sa tanh nâu, cô em út được thưởng mang biếu mẹ. Còn những tấm áo khác, hàng chục chiếc không ít, do đích tay mẹ chọn mua vải ở chợ Đồng Xuân hay trên phố Hàng Gai, Hàng Quạt, vào những năm thành phố đã bước vào thời kỳ mở cửa và hội nhập. Những là lụa vân, lụa chí cẩm, nhung the, màu tiết dê, màu vỏ đỗ, màu thép sáng, màu mơ già, màu mắm tôm... Và hầu hết những tấm áo dài của mẹ tôi đều được may cắt ở cửa hiệu ông Mỹ Hào, người làng Trạch Xá, trên phố Cầu Gỗ. Sau này,không hiểu tại sao, chị em chúng tôi và cả các cháu gái, cũng vẫn đến may áo dài ở chính cửa hiệu ấy, mặc dù Hà Nội bây giờ cũng có bao nhà may danh tiếng khác. Nay ông Mỹ Hào cũng đã bước qua tuổi thất thập rồi, đường kim mối chỉ không biết có còn được như xưa?

Những năm cuối đời, mẹ tôi đã có được đôi chút thư nhàn, thanh thản thường diện áo dài đi hội lễ, cưới xin... và chụp ảnh...

Nhưng mà mẹ tôi bỗng thở dài, nghe thoáng chút ngậm ngùi:

- Mẹ chỉ tiếc, bộ áo cưới của mẹ mấy năm tản cư trong kháng chiến đã không giữ được. Ngày ấy...

Mẹ tôi dường như đã mệt, trở mình quay vào bên trong và chìm dần vào giấc ngủ. Ấy là một ngày trước khi mẹ tôi qua đời chừng ba bốn hôm...

Tôi bất chợt nhớ đến câu thơ của nhà thơ Nguyễn Bính

Này áo đồng lầm, quần lĩnh tía

Này gương, này lược này hoa tai...

Trước mắt tôi lung linh hình ảnh một đám rước dâu lộng lẫy thướt tha, từ nhà  ngoại, ở làng  Ngũ Xã bên hồ Trúc Bạch, ra Phố cổ  Hàng Đồng , vào một mùa xuân cách đây đã gần 60 năm...

 

Vũ Thị Tuyết Nhung

Mùa Ngâu năm 2001