Câu lạc bộ Nhà báo nữ tuổi 15

The player will show in this paragraph
Hơn 35 năm sau khi tốt nghiệp Đại học, trong dịp về dự Kỷ niệm 60 năm Ngày thành lập Trường Đại học Tổng hợp Huế, giữa hàng ngàn cựu sinh viên, tôi vẫn nhận ra chị với tà áo dài của Huế nhưng mang màu hoa anh đào nhẹ nhàng và duyên dáng, mà trước đó, cũng tại lần kỷ niệm 55 năm của Trường (năm 2012), chị đã có bài phát biểu đại diện cựu sinh viên khiến Thầy Cô và những người bạn cùng thời đều xúc động và không cầm được nước mắt.  

Ông thợ áo dài phố cổ (Mỹ Hào)

Sau ngày tiếp quản thủ đô và suốt thời bao cấp chiến tranh, cuộc sống người Hà Nội đã trở nên khó khăn hơn trước rất nhiều. Trang phục giản đơn và thiếu thốn . Chỉ còn đôi ba cửa hiệu áo dài tồn tại trên phố Hà Nội


Lâu lâu người trên phố Cầu Gỗ mới lại thấy bóng dáng cụ ông Mỹ Hào . Vào mỗi lúc sáng sớm hay xế chiều chi đó . Mái tóc lưa thưa bạc trắng, đôi mắt kính hấp háy.  Cụ ngồi chơi ngắm phố cho đỡ nhớ cảnh nhớ người . Chứ căn  bệnh tiểu đường biến chứng đã khiến cụ phải rời tay thước tay kéo hơn chục năm không kém .

Cửa hàng Mỹ Hào bao năm qua  vẫn thế , hẹp vanh vanh chỉ  chừng hơn 1 thước  mặt tiền. Thay vào cái vị trí hơn nửa thế kỷ của cụ bên chiếc bàn nghề  cũng hẹp vanh vanh như thế, là cô con dâu  thứ hai, tên là Bình, người được cụ chọn giao việc cửa hàng khuya sớm.

Cũng đã lâu lắm, ba bốn mươi năm rồi cũng nên, cựu phát thanh viên Hương Liên thuộc thế hệ phát thanh viên đầu tiên của Đài TH Việt Nam mới trở lại cửa hàng áo dài Mỹ Hào. Vẫn căn nhà quen thuộc in trong trí nhớ trên phố Cầu Gỗ . Số nhà số 82.  Ông thợ ngày xưa vẫn nhớ chuyện ngày xưa. Và những  kỷ niệm của một thời xuân sắc không quên cùng những tà áo dài duyên dáng, mỹ lệ

Cụ Mỹ Hào tức Lê Văn Hào vốn quê gốc ở làng nghề áo dài Trạch Xá, xã Hòa Lâm, huyện Ứng Hòa, tỉnh Hà Tây cũ, nay thuộc về ngoại thành Hà Nội. Những năm 40- 50 của thế kỷ trước, cụ theo cha chú lên Hà Nội mở hiệu may ta  trên phố Cầu Gỗ . Cụ vốn  chăm chỉ, cần mẫn,  thêm chút sáng ý, tài hoa, nên đã được chọn là thợ may áo dài chuyên nghiệp cho Đoàn ca múa nhạc Việt Nam và rất nhiều đoàn văn công khác. Những tà áo dài Mỹ Hào đã theo chân bao nữ ca sĩ diễn viên đi biểu diễn khắp trong ngoài nước , tạo dấu ấn trang phục Việt Nam đẹp đẽ , giàu bản sắc dân tộc với bè bạn quốc tế

Những diễn viên , nghệ sĩ từng vang bóng một thời như Vũ Dậu, Minh Đỗ, Ái Liên…. Thế hệ phát thanh viên đầu tiên của Đài truyền hình Việt nam và Đài PT- TH Hà Nội như Kim Tiến, Hồng Trang, Hương Liên, Thanh Vân, cũng từng may mỗi người hàng chục chiếc áo dài để lên sóng truyền hình trong mấy chục năm liền .  Cụ cũng đã từng may áo dài cho 3-4 thế hệ phụ nữ trong các gia đình Hà Nội .  Như với người viết bài này, cụ Mỹ Hào đã từng may áo dài cho bà ngoại và mẹ tôi, đến tôi và con gái tôi nữa . Nay thì các con trai gái, dâu rể,  độ 4-5 người cũng  đang tiếp nối nghiệp gia đình với những bí quyết cắt may do cụ truyền lại . Có hiệu may Mỹ Sơn ở nhà số 92 cùng trên phố  Cầu Gỗ của người con trai út là hiệu may Mỹ Sơn. Có hiệu may của người con gái cụ ở bãi Phúc Tân  là hiệu may Mỹ Nga . Còn các cháu nội ngoại hoặc họ hàng xa của cụ cũng được cụ truyền nghề đi lập nghiệp đó đây, đến hàng chục người nữa. Ngay bên kia phố Cầu Gỗ, ở số nhà 59, là cửa hiệu của ông Mỹ Vinh, cháu gọi cụ bằng chú ruột, cũng nổi tiếng khá lâu, nghề cũng đã truyền sao thế hệ con cháu

 

Tre già măng mọc là lẽ ở đời.  Cuộc sống vẫn cứ như một vòng xoay bất tận, một dòng chảy không ngưng nghỉ . Nơi hướng đến sẽ là một chân trời xa, rất xa .  Đó là những cảm nhận bất chợt và thoáng chút ngậm ngùi của tôi khi lặng nhìn dáng hình cụ Mỹ Hào, tóc bạc trắng,  tay chống can, ngồi tựa cửa ngắm những dòng người cứ hối hả lướt qua và những  dòng xe cứ vùn vụt băng nhanh

 Vũ Thị Tuyết Nhung